Bộ phim cổ trang “Cẩm tâm tựa ngọc” kể về nhân vật La Thập Nhất Nương (do Đàm Tùng Vận đóng) và cuộc hôn nhân sắp đặt của cô với Vĩnh Bình Hầu Từ Lệnh Nghi (do Chung Hán Lương đóng). Cuộc đấu đá chốn hậu viện trong một gia tộc đức cao vọng trọng cũng được khắc họa rõ nét, qua đó, thân phận người phụ nữ cũng như những tập tục phong kiến được tái hiện đa chiều, đa diện.
Dưới thời nhà Minh, thứ nữ của La gia - La Thập Nhất Nương, tuy địa vị thấp bé nhưng rất có chính kiến, cô những mong dựa vào tài thêu thùa của mình mà sống một cuộc đời tự do tự tại, không phải cầu cạnh, dựa dẫm hay bị ai khống chế. Nhưng hy vọng đó vụt tắt khi gia đình dày công sắp đặt cho cô kết hôn với Từ Lệnh Nghi của Từ gia, nhằm kế thất cho đại tỷ là La Nguyên Nương (do Dĩnh Nhi đóng) sắp qua đời vì bạo bệnh.
Về phía Lệnh Nghi, anh cũng miễn cưỡng mà thuận theo mối hôn sự này. Nhưng dần dà, chính những tư chất tốt đẹp cùng tính cách đặc biệt của Thập Nhất Nương khiến Lệnh Nghi nảy sinh tình cảm với cô lúc nào không hay. Trong khi đó, Thập Nhất Nương cũng dần bị thu hút bởi tính khí ngoài lạnh trong ấm, và cảm phục vị phu quân ngày đêm canh cánh chuyện giang sơn xã tắc này.
“Thân bất do kỷ” chịu kiếp chung chồng, tuy lường trước cảnh đấu đá tranh sủng, nhưng không ít lần Thập Nhất Nương rơi vào vòng nguy hiểm. Ba thê thiếp khác của Lệnh Nghi gồm: Văn Di Nương (do Lưu Vân đóng) - một người mưu mô, luôn đắc ý đã sinh con trai trưởng; Tần Di Nương (do Lý Thạnh đóng) tuy ít nói, nhu nhược nhưng cũng có tâm cơ riêng; và đặc biệt là Kiều Liên Bàng/ Kiều Di Nương (do Hà Hoằng San đóng) – người có thâm tình với Lệnh Nghi, rất được lòng mẹ chồng, lại có phủ Quốc Công chống lưng.
Nếu như ban đầu Nguyên Nương không bày mưu tính kế đẩy Liên Bàng làm thiếp, vì tiền đồ của con trai mình và sự hưng suy của La gia, thì cô ấy đã trở thành chính thất sau khi Nguyên Nương “dầu cạn đèn tắt”. Họ vì vị thế của mình ở Từ gia cũng như vị trí trong lòng Lệnh Nghi mà khiến hậu viện không một ngày yên ổn. Tuy vậy, một Thập Nhất Nương trẻ tuổi nhưng giỏi ứng biến, cư xử ôn nhu, khéo léo, vẫn luôn cố gắng giữ hòa khí gia đình để phu quân an tâm lo công vụ.
Bên cạnh đó, được phu quân tin tưởng và khích lệ, Thập Nhất Nương còn mở xưởng thêu Tiên Lăng Các để truyền dạy kỹ năng thêu thùa cho mọi người. Có hiền thê làm hậu phương vững chắc, Lệnh Nghi quyết tâm thuyết phục hoàng thượng bãi bỏ lệnh cấm biển, giúp bá tánh an cư lạc nghiệp. Phu thê đồng tâm vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, góp phần giúp bá tánh có cuộc sống ấm no, giữ yên giang sơn bờ cõi, từ đó cũng tạo nên khúc ca về cuộc đời của chính họ.